Chủ Nhật, tháng 12 01, 2019

Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói



(Phongcachdoisong.vn) – Rất nhiều lần, khi ngồi trong quán cafe, trong nhà hàng hay giữa buổi tiệc sinh nhật, thậm chí là trong buổi dã ngoại, nhìn những người xung quanh đều đang cắm cúi vào chiếc điện thoại trên tay, tôi vẫn thường tự hỏi: “Vậy khi chưa có smartphone thì người ta sẽ làm gì vào lúc này?”.

Thời đại công nghệ 4.0 đã thay đổi cách chúng ta trò chuyện

Tôi có một người bạn trẻ, có hôm công việc căng thẳng quá, bạn gọi tôi tâm sự: “Em đang stress quá, nhìn mọi thứ xung quanh cứ chán như con gián, ước gì em được đi đâu đó khỏi thành phố này, lên hoang đảo ở cũng được, miễn là ở đó có…Internet”. Thiệt tình, sống trong kỷ nguyên công nghệ số, đến cả hàng hột vịt lộn, trà đá vỉa hè còn có wifi thì dễ gì các bạn trẻ chịu thiếu thốn “món mạng” hàng ngày được. Không thể phủ nhận, sự phát triển của mạng Internet, của cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là sự ra đời và phát triển nhanh như vũ bão của smartphone đã đem đến cho con người những biến chuyển to lớn trong cuộc sống hằng ngày. Biến chuyển và đổi thay ngay từ những nhu cầu cơ bản nhất, mà ở đây tôi đang muốn đề cập đến nhu cầu trao đổi thông tin.




Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói
Có thể thấy hiện nay các ứng dụng miễn phí như Facebook, Instagram, Viber, Zalo, WhatsApp…đang thay đổi cách thức chúng ta liên lạc và trao đổi thông tin với nhau. Với các ứng dụng đó, người dùng kết bạn với nhau nhiều hơn, cập nhật thông tin bạn bè nhanh chóng, tương tác trực tiếp, kịp thời hơn. Thậm chí, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những người bạn bặt tin đã lâu hay gắn kết lại được với những mối quan hệ cũ thông qua mạng xã hội và các app ứng dụng. Tôi ấn tượng mãi câu nói của một người bạn cũ khi chúng tôi tìm thấy nhau trên facebook sau hai mươi năm “thất lạc” tin tức: “Trên facebook bây giờ là…như chưa hề có cuộc chia ly”.
Mà quả đúng như thế thật, trong thế giới của mạng xã hội, của những ứng dụng chuyện trò, người ta không chỉ tìm thấy nhau mà còn nhận biết được cả vòng tròn những mối quan hệ mà nếu cứ gặp gỡ riêng lẻ bên ngoài thì không sao biết được. Kiểu như khi ta kết bạn với một bạn mới ở lớp Anh văn buổi tối và phát hiện ra người đó là em của đồng nghiệp mình – là người yêu của đứa bạn từ thời cấp 2. Có lắm kiểu những mối quan hệ “dây mơ rễ má” như vậy, nhờ thế giới mạng mà “lộ” hết. Đối với người này, đó có thể là một sự ngạc nhiên đầy thú vị. Nhưng đối với người khác, có thể điều này lại gây ra lắm điều phiền toái.
Nhưng dù có thế nào chăng nữa thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cuộc cách mạng về công nghệ đã giúp con người gần nhau hơn, giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi hơn. Thậm chí, chúng còn cho phép ta trò chuyện cùng lúc với nhiều người, nhiều nhóm người bất kể không gian và thời gian (miễn là có mạng Internet). Nhưng mọi sự phát triển có lợi thì cũng luôn có…hại. Đặc biệt khi người ta quá phụ thuộc vào việc giao tiếp thông qua mạng xã hội, qua các thể loại màn hình thì những cuộc gặp gỡ offline ngày càng thưa vắng. Có những người dù là bạn thân nhưng cũng cả năm không có dịp ngồi cạnh nhau lần nào, có chăng chỉ là những dòng tâm sự, sẻ chia, hỏi thăm nhau…trên mạng. Chính vì vậy, mà cho dù có tương tác thì thế giới mạng vẫn bị gán cho khái niệm “thế giới ảo”, và những ai muốn thực sự gắn kết với nhau thì ngoài những liên kết online vẫn phải sắp xếp để offline cùng nhau.

Offline lại để…Online

Tôi đã từng chứng kiến và cũng đã từng tham dự nhiều cuộc gặp gỡ mà sau màn chào hỏi thì mỗi người lôi trong túi ra một cái smarphone, mạnh ai nấy bấm. Thậm chí thay vì nói chuyện, bàn luận với chính đứa bên cạnh mình thì họ lại comment, chat với nhau trên mạng. Chat chán chê mới ồ ra: “Ủa chớ tụi mình gặp nhau để làm gì?”.




Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói
Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói. Nhưng có những khi Offline lại để… Online
Có lần tôi gặp lại một người bạn cũ thời đại học, dễ chừng cũng gần 20 năm mới gặp lại. Tuy thời đại học chúng tôi cũng không thân nhau lắm, nhưng sau 20 năm thì kể ra cũng có hàng tỉ chuyện để hàn huyên. Nhưng suốt cả bữa ăn trưa và cả hai tiếng hát Karaoke cùng nhóm bạn học sau đó, bạn không trò chuyện câu nào, chỉ tạo dáng selfie (dễ chừng cũng vài trăm kiểu), post facebook và ngồi chờ like, comment. Dẫu biết chụp và post hình check in trong những cuộc gặp gỡ như thế này bây giờ đã trở thành một “nghi thức” không thể thiếu, nhưng check in để rồi bị cuốn vào thế giới trên mạng thay vì tương tác với những người đang ngồi ngay bên cạnh mình thì quả đúng là “sống ảo” hơn “sống thật”.  
Tôi có một nhóm bạn thời trung học, để hạn chế việc “mạnh ai nấy bấm”, chúng tôi thậm chí còn có luật cho những lần gặp gỡ để giúp mọi người bớt phụ thuộc vào smartphone. Nếu chụp ảnh bằng điện thoại, chúng tôi chỉ chụp trong một máy, chụp chung tất cả mọi người, trong vòng tối đa 10 phút, hình sẽ được post trên group nhóm và sau đó tất cả tập trung trò chuyện trực tiếp với nhau. Chỉ trừ việc nghe những cuộc điện thoại quan trọng, còn lại đứa nào vào facebook, chat chít trên mạng thì bị phạt tiền vào quỹ nhóm, nếu tái phạm thì ngay lập tức bị…đuổi về. Nhiều lần như thế, chúng tôi quên hẳn smartphone khi gặp nhau. Tất cả lại có cơ hội được ngồi bên nhau trò chuyện gần gũi, thân tình, ấm áp. Lại được nhìn nhau bằng ánh mắt lấp lánh, thấy những nụ cười tươi tắn của nhau, lắng nghe giọng nói thân thương của từng đứa như ngày xưa. Điều đó mang đến những cảm xúc ấm áp mà những người trong cuộc chỉ có thể cảm nhận chứ không có lời nào diễn tả được.

Nhiều khi những thứ xưa cũ lại tạo nên cảm hứng bất ngờ

Ở thời điểm này, không ai có thể đứng ngoài sức hút của công nghệ, của những tiện ích mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra. Nhưng thỉnh thoảng, trong những khoảng lặng nào đó giữa cuộc sống xô bồ, ồn ã này, chúng ta thử kết nối với nhau theo một cách xưa cũ, biết đâu chúng lại đem đến cho cả bản thân ta và người tiếp nhận thông điệp ấy những cảm xúc thú vị.
Tôi đến giờ vẫn giữ thói quen gởi thư và bưu thiếp theo kiểu “cổ điển”. Thỉnh thoảng, khi đến Bưu điện gởi phát chuyển nhanh, tôi vẫn thường gởi kèm một hai lá thư theo cách truyền thống cho cô cháu gái hay bạn thân. Tôi vẫn thích thú với cảm giác mua một con tem, dán vào góc phải của lá thư bằng hồ dán thay vì đóng cộp bằng một cái dấu tròn. Vẫn hào hứng và hân hoan khi mua bưu thiếp ở một thành phố xa lạ nào đó, hỏi mua một con tem và bỏ vào thùng thư trên phố. Nhiều khi, tấm bưu thiếp đến tay người nhận sau khi tôi đã trở về, nhưng nó đã mang theo mình câu chuyện về chuyến hành trình thú vị mà một tấm bưu thiếp điện tử chỉ cần vài giây để đến hộp thư người nhận không có được.
Ở bàn làm việc của tôi, thứ luôn tạo cho tôi nhiều cảm hứng trong việc kết nối mọi người là giấy ghi chú (giấy note). Giấy note với tôi không chỉ để ghi công việc, để dặn dò mà còn là một kênh để chuyển tải những nhắn gởi yêu thương. Thay vì lúc nào bạn cũng dùng tin nhắn miễn phí trên Viber, Zalo…, bạn có thể để lại một tờ giấy note cho ai đó. Nét chữ của bạn, icon do bạn vẽ và cả cách bạn chọn hình dáng, màu sắc của giấy note cũng có thể đem đến cho người nhận những cảm xúc tích cực, những niềm hứng khởi mới.




Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói
Có những chuyện phải ngồi cạnh nhau để nói. Gặp nhau, uống với nhau ly cà phê, tách trà và chuyện trò
Trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có lẽ tất cả mọi người đều cảm thấy mình đang bị cuốn theo dòng chảy vội vã, ồn ã đó. Chúng ta đang tìm mọi cách để tiết kiệm thời gian, để tận dụng cơ hội, để đi đến đích mà ta muốn nhanh hơn, và chính những thành tựu về công nghệ đang mang đến cho chúng ta những tiện ích và biến chuyển diệu kỳ. Nhưng đôi khi, hãy cho phép mình “sống chậm”, “sống thật”, “lãng quên” thế giới số một chút để trở về với những giá trị xưa cũ. Điều đó không phải là lạc hậu, là đi thụt lùi so với thời đại mà là một cách lắng lòng, một cách hoài niệm về những giá trị đã tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người. Để mỗi khi cần gặp gỡ, người ta có thể hẹn nhau ra một quán cafe (mà dù không có wifi hay các thể loại G cũng không ảnh hưởng gì), để được face to face (mặt đối mặt) chứ không phải là face to face (facebook to facebook), để có thể cầm tay nhau mà nói với nhau rằng: “Có chuyện gì, cứ ngồi xuống đây rồi nói”.
Hồ Ngọc Đoan Khương

Đăng nhận xét

Chuyên mục Nổi bật

...
Blog chuyên trang thông tin về Doanh nghiệp - Kỹ năng - Đời sống - Văn hóa

Whatsapp Button works on Mobile Device only