Thua lỗ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, Đoàn Nhược Quý vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ, sáng tạo nhạc cho các video quảng cáo của doanh nghiệp.
Ấp ủ giấc mơ xây dựng doanh nghiệp có quy mô 100 tỷ đồng vào năm 2020, anh Đoàn Nhược Quý, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Adam Muzic từng bỏ học nhiều lần, và làm đủ mọi nghề để có thu nhập.
Sinh ra trong gia đình khó khăn, tuổi trẻ của Đoàn Nhược Quý gần như không có mối liên hệ nào với hoạt động nghệ thuật. Tốt nghiệp cấp ba, anh theo học trung cấp Công nghệ thông tin, nhưng bỏ ngang vì không đủ tiền mua nổi chiếc máy tính để thực hành. Anh quay sang học nghề sửa chữa điện tử, rồi lại ngưng vì thấy không phù hợp.Từ người đội mascot biểu diễn để kiếm thêm thu nhập
Từng bỏ học nhiều lần, biểu diễn mascot để kiếm sống, Đoàn Nhược Quý đã vươn lên tạo dựng doanh nghiệp riêng cho mình. Ảnh: NVCC |
Quý tìm đủ mọi nghề để mưu sinh, từ phát tờ rơi đến phục vụ quán, đội mascot (đội lớp thú bông) biểu diễn và làm MC cho các sự kiện siêu thị hoặc ngoài chợ. Chính nhờ thời gian đó, anh phát hiện ra niềm đam mê với âm nhạc.
Năm 21 tuổi, Quý thi vào Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, bắt đầu con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh tốt nghiệp thủ khoa, tìm được công việc có thu nhập khá tại Học viện của nhạc sĩ Thanh Bùi, dạy các lớp ngoài giờ của Nhạc viện TP HCM. Tuy nhiên, vị giảng viên trẻ ấp ủ khát vọng thành lập doanh nghiệp chuyên về âm nhạc, với sự đào tạo bài bản và đồng nhất tất cả các khâu. Anh bỏ việc đi dạy để tập hợp một đội khoảng 10 thành viên có tâm huyết để đào tạo từ đầu, kể cả về tư duy, chuyên môn và kỹ năng quản lý.
“Giống bầu Đức bắt đầu xây dựng nền đội bóng từ những cầu thủ rất trẻ, tôi muốn tạo ra công ty âm nhạc với những người được đào tạo tốt ngay từ ban đầu”, anh Quý chia sẻ.
Đến khát vọng xây dựng doanh nghiệp trăm tỷ
Sau hai năm vừa đào tạo nhân sự, vừa tự nâng cao năng lực của bản thân, đến năm 2016, Đoàn Nhược Quý chính thức thành lập Công ty TNHH Adam Muzic, với mô hình công nghệ âm nhạc thu nhỏ gồm 3 phần: đào tạo, sản xuất sản phẩm âm nhạc, kinh doanh quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm âm nhạc.Mục tiêu rõ ràng là vậy, nhưng nhớ lại giai đoạn khởi nghiệp, anh cũng phải thừa nhận rằng đây là cả sự đánh liều. Bởi thời điểm thành lập, Quý gần như không có vốn, vay mượn 300 triệu đồng từ các nguồn. Trong lĩnh vực giải trí, 300 triệu đồng là một con số rất nhỏ. Điều đó đòi hỏi anh có sự tính toán cẩn thận trong từng chi phí đầu tư ban đầu. Thay vì thuê văn phòng rộng, đầy đủ tiện ích, doanh nghiệp chỉ đầu tư một không gian nhỏ tươm tất, ấm áp. Các thiết bị ban đầu cũng chỉ vừa đủ để có thể phục vụ cho việc dạy và sản xuất các sản phẩm âm nhạc đơn giản.
Khi mới thành lập, học viên tìm đến chủ yếu do uy tín cá nhân của anh nên doanh thu rất khiêm tốn. Trong khi, áp lực lãi vay ngày càng lớn. “Lãi suất mỗi khoản vay thì nhỏ, nhưng cộng nhiều khoản thì thành con số rất lớn, nhưng nguồn thu chưa có. Tôi thua lỗ hơn 100 triệu đồng chỉ sau vài tháng khởi nghiệp”, anh Quý chia sẻ.
Bên cạnh áp lực về nợ vay, đơn vị này còn đối mặt với thách thức lớn hơn về quản lý. Do tay ngang lập nghiệp, Quý chưa kịp trang bị đủ kỹ năng quản trị, đặc biệt là quản trị nhân sự. Anh chấp nhận chia cổ phần doanh nghiệp cho một người bạn, và mời người đó về làm quản lý. Nhưng do trái quan điểm, người này bán lại cổ phần để rút khỏi công ty. Nhược Quý lại lao vào tự học hỏi và rèn luyện kỹ năng cho mình và nhân viên cấp dưới. Cứ tìm tòi được kiến thức nào hay về âm nhạc trên thế giới, anh tổ chức những lớp đào tạo lại cho nhân viên. Quý cũng xây dựng một đội nhân viên nòng cốt. Hàng tuần, mỗi người trong nhóm này được giao đọc một quyển sách, sau đó, thuyết trình lại với cả nhóm.
Dần dần, việc điều hành của công ty đi vào quỹ đạo ổn định, với doanh thu 700-800 triệu đồng một năm. Sau thời gian thu quả ngọt từ đào tạo, anh Quý bắt tay xây dựng mảng sản xuất các sản phẩm âm nhạc. Đây là các sản phẩm phục vụ các viral video, hoặc chương trình quảng bá sản phẩm âm nhạc của doanh nghiệp.
Doanh thu 800 triệu đồng mỗi năm, theo anh Quý, mới chỉ là con số khởi đầu. "Khách hàng bắt đầu tin tưởng vào chất lượng nhân sự và sản phẩm mà công ty cung cấp. Tôi muốn thay đổi cách nhìn về hai chữ nghệ sĩ. Chúng tôi là nghệ sĩ sáng tạo, nhưng chúng tôi chuyên nghiệp, và làm việc khoa học, nghiêm túc”, anh Quý trải lòng.
Theo ước tính của doanh nhân 8x, với khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, nếu mỗi nơi đầu tư 1.000-2.000 USD cho một sản phẩm âm nhạc quảng bá thì dung lượng thị trường lên đến 1,2 tỷ đôla Mỹ. Ngoài ra, thị trường streaming, quảng bá trong nước có tiềm năng đến 95 triệu đôla Mỹ. Riêng tại Adam Muzic, dù mới bắt đầu tập trung chuyển sang xây dựng mảng này, doanh nghiệp đã sản xuất khoảng 10 sản phẩm âm nhạc, doanh thu 100-200 triệu đồng mỗi tháng. Đây là nền tảng để công ty tiếp tục sản xuất sản phẩm âm nhạc có chất lượng, doanh thu đến từ quảng cáo và kinh doanh tác quyền. Kỳ vọng của anh là quy mô doanh nghiệp lên 100 tỷ đồng vào năm 2020.
Đăng nhận xét