Thứ Sáu, tháng 5 31, 2019

CÔNG TY TÔN TÂN PHƯỚC KHANH TỔ CHỨC DU LỊCH THAM QUAN MIỀN TRUNG TRI ÂN KHÁCH HÀNG NĂM 2018


CÔNG TY TÔN TÂN PHƯỚC KHANH TỔ CHỨC DU LỊCH THAM QUAN MIỀN TRUNG TRI ÂN KHÁCH HÀNG NĂM 2018

Đến hẹn lại lên, mỗi khi hè đến Công ty Tôn Tân Phước Khanh lại tổ chức chương trình du lịch tham quan nhằm tri ân khách hàng thân thiết lâu năm, năm nay 2018, Công ty Tôn Tân Phước Khanh tổ chức chuyến du lịch tham quan về vùng miền Trung đất tổ.
Chuyến tham quan được diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 30/06 đến ngày 04/07, một chuyến đi mang lại nhiều cảm xúc, thêm thắt chặt thân tình của Công ty Tôn Tân Phước Khanh với khách hàng thân thiết lâu năm của mình.
Ngày đầu tiên, 30/06/2018, mọi người trong đoàn gần 60 thành viên (gồm nhân viên và khách hàng công ty Tân Phước Khanh) nao nức trông ngóng check in tại Sân Bay Tân Sơn Nhất lúc 04h30 sáng, để làm thủ tục bay đi Đồng Hới – Quảng Bình. Khi đáp chuyến bay đến Đồng Hới, mọi người dùng bữa sáng và tranh thủ đi thăm quan một địa điểm du lịch nổi tiếng đó là động Thiên Đường – một kiệt tác của tạo hóa thiên nhiên trong lòng di sản Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đoàn được chiêm ngưỡng một trong những hang động khô dài nhất Châu Á với chiều dài 31,4 km. Nhưng đoàn Tân Phước Khanh chỉ tham quan 1 km đầu tiên của hang động. Hang động như một Thiên cung với cấu trúc kỳ vĩ và vẻ đẹp huyền diệu và được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất động”.
Động Thiên Đường – Quảng Bình

Mọi người như lạc vào cõi tiên, cùng nhau di chuyển qua từng bậc tam cấp, từng khu vực để ngắm nhìn từng chi tiết từng cảnh vật thiên nhiên hùng vỹ, chúng ta thật bé nhỏ trước thiên nhiên rộng lớn này, mọi người dùng bữa trưa thân mật tại động Thiên Đường và về Đồng Hới nghỉ ngơi cho ngày hôm sau tham quan những địa điểm nổi tiếng khác.
Ngày thứ hai, 01/07/2018, đoàn tham quan rời Quảng Bình thân thương để vào Cố đô Huế, trên đường vào lại Huế thương, đoàn có dịp ghé ngang một địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến tranh chống Pháp đó là Vĩ tuyến 17 được tham quan được ngắm nhìn lại lịch sử xưa của cha ông ta. Theo lời kể của anh hướng dẫn viên mọi người hiểu hơn về nơi này chứa đựng nhiều cột mốc lịch sử. Sau Hiệp định Geneve (1954), cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, chia cắt 2 miền đất nước.
Cầu Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị)

Theo Hiệp định, Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (tên gọi Khu phi quân sự Việt Nam, Vietnamese Demilitarized Zone – V-DMZ) được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, để sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ.
Sau khi Khu phi quân sự DMZ được xác lập, tính từ điểm phân chia ở giữa cầu Hiền Lương, mỗi bên giữ một đầu cầu dưới sự giám sát của chuyên gia quốc tế. Trên lý thuyết, DMZ rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía, tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam – Lào cho đến bờ biển.
Sau đó, đoàn tiếp tục hành trình hướng về một địa điểm linh thiêng khác, một thánh địa và là một nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế . Đó chính là Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Vương Cung Thánh Đường của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cùng nhau tìm hiểu về nguồn cội của sự tích Đức Mẹ hiện ra năm 1798 và lắng nghe câu chuyện kể về những phép lạ Đức Mẹ đã làm cho giáo dân. Vương Cung Thánh Đường này được dựng xây trên mảnh đất gần nơi Đức Mẹ hiện ra, nơi có 3 cây đa to mà trước đây khi con dân chạy loạn vào rừng trú ẩn, thường tụ tập tại gốc đa này cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ lẫn nhau.
Trong lúc hoạn nạn cực khổ nhất, Đức Mẹ đã hiện ra và bảy tỏ lòng nhân từ, âu yếm an ủi giáo dân và Mẹ còn dạy giáo dân rằng, hãy hái một loại lá mọc rất nhiều chung quanh đó, nấu nước uống sẽ mau chóng lành các bệnh, loại lá này có tên là “Lá vằng”, đọc không dấu thành “La vang”, đây cũng là một trong các giả thuyết lý giải cho từ “La Vang”
.
Đức Mẹ La Vang – Hải Lăng (Quảng Trị)

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.
Rời khỏi Trung tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang, đoàn của Tân Phước Khanh xuôi dọc dải đất miền Trung về cố đô Huế, đến Huế vào chiều tối, mọi người trong đoàn tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiệc Gala Dinner với thực đơn cơm Cung Đình Huế và thưởng thức Nhã Nhạc Cung Đình. Và một sự trùng hợp ngẫu nhiên là chương trình “Khát Vọng Sống”, chương trình mà hiện nay Công ty Tân Phước Khanh đang là nhà tài trợ chính, cũng đang diễn ra tại Quảng Trị, nên đại diện chương trình Khát Vọng Sống đã có cơ hội đến tham dự tiệc Gala Dinner cùng Công ty Tân Phước Khanh, và gửi lời cám ơn sâu sắc đến Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Cô Nguyễn Thị Tuyết và tặng Cô lẵng hoa tươi thắm thay lời cám ơn sâu sắc mà Cô đã dành cho chương trình Khát Vọng Sống trong những năm qua.
Đại diện chương trình “Khát Vọng Sống” tặng hoa và khánh vàng kỷ niệm cho Chủ tịch HĐQT Cô Nguyễn Thị Tuyết
Đoàn Tân Phước Khanh chụp hình lưu niệm tại tiệc Gala Dinner
Ngày thứ 3, 02/07/2018, sau tiệc Gala Dinner đầy tình cảm tối hôm qua, mọi người có một giấc ngủ say để sáng nay phục hồi sức khỏe, mọi người sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình từ Huế vào Đà nẵng.
Địa điểm đầu tiên của ngày hôm nay chính là Lăng Khải Định. Lăng Khải Định hay Ứng Lăng là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, lăng thuộc làng Châu Chữ thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi an nghỉ của vua Khải Định, thuộc hoàng tộc triều Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vua Khải Định (1885 – 1925) tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo về sau đổi lên là Nguyễn Phúc Tuấn. ông là con trai trưởng của Vua Đồng Khánh, mẹ là Hựu Thiên Thuần Hoàng Hậu.
Ông lên ngôi vào ngày 18-5-1916, là vị vua thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông trị quốc được 10 năm thì lâm trọng bệnh và mất ngày 20-9 năm Ất Sửu tức ngày 6-11-1925 an táng tại Ứng Lăng.
Tại đây đoàn của Công ty Tân Phước Khanh, được giới thiệu chi tiết từng khu vực trong khu lăng tẩm này, để thấy được sự uy nghi và khiếu thẩm mỹ đầy sâu sắc, sáng tạo của vua Khải Định trong kiểu kiến trúc kết hợp văn hóa Đông Tây cho nơi an nghỉ của ông, góp phần làm cho chúng ta hiểu hơn về vị vua này.
Lăng Vua Khải Định – Huế

Rời khỏi không gian cổ kính và đậm dấu ấn của một vị vua nhà Nguyễn – Lăng Khải Định, đoàn của Cty Tân Phước Khanhtiếp tục đi đến một khu Di tích khác, khi đến Huế mà không tham quan địa điểm này là một thiếu sót lớn chính là Đại Nội Huế.
Đoàn Công ty Tân Phước Khanh tiến sâu vào khu Đại Nội, một không khí khác lạ và đậm chất Cung đình hiển hiện trước mắt đoàn tham quan, rất cổ kính, rất uy nghiêm và đậm chất sử thi, khi bước vào chúng ta như có cảm giác đang quay về quá khứ của hàng trăm năm trước. Đoàn lần lượt được tham quan các khu di tích trong Đại Nội như : cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa (nơi diễn ra thiết triều của vua), Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng triều), Thế Miếu (nơi thờ tất cả các vị vua nhà Nguyễn), Hiển Lâm Các (nơi tưởng niệm công trạng của các vị vua quan nhà Nguyễn), Cửu Đỉnh (công trình bằng đồng gồm 9 cái đỉnh tượng trưng các vị vua).
Đại Nội Huế

Trải qua các di tích đầy tính lịch sử , đoàn tham quan ăn uống và nghỉ trưa tại nhà hàng Huế, để tiếp tục cho cuộc hành trình vào buổi chiều. Vào buổi chiều, đoàn Tân Phước Khanh tham quan hai ngôi chùa nổi tiếng của Huế. Ngôi chùa đầu tiên là Chùa Thiên Mụ.
Chùa Thiên Mụ – Huế

Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi khác là Linh Mụ nằm trên đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình thuộc địa phận phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng trong và đây cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất cố đô. Chùa nằm bên cạch dòng sông Hương yên bình đằm thắm như người con gái Huế. Đây là một địa điểm không nên bỏ qua khi đến Huế.
Ngôi chùa thứ hai đoàn đến tham quan là Chùa Từ Hiếu. Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên. Ngài nguyên là tăng cang của chùa Giác Hoàng trong cung, sau cáo lão về rừng để nuôi dưỡng mẹ già và tu hành thanh tịnh tại đây. Ngôi chùa biểu tượng cho lòng hiếu thảo.
Chùa Từ Hiếu – Huế

Rời khỏi Huế, đoàn Tân Phước Khanh hướng về Đà Nẵng. và đoàn nghỉ ngơi tại TP.Đà Nẵng.
Ngày thứ 4, 03/07/2018, sau khi dùng Buffet sáng tại khách sạn, đoàn được đến tham quan khu Du lịch Bà Nà Hill – Khu sinh thái nghỉ dưỡng độc đáo với 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông trong cùng một ngày, ở độ cao gần 1.500 m, so với mực nước biển.
Toàn đoàn Tân Phước Khanh được lên đỉnh Núi Chúa bằng hệ thống cáp treo đạt kỷ lục thế giới. Một là, tuyến cáp treo dài nhất thế giới (5.042 m), hai là, độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291 m). Đoàn tự do tham quan Chùa Linh Ứng, Hầm rượu Debay, vườn hoa Le Jardin D’Amour … tiếp đến đoàn di chuyển đến khu tâm linh mới của Bà Nà gồm : đền Lĩnh Chúa Linh Từ, tham quan Lầu Chuông, Tháp Linh Phong Tự.
Tạm gác lại các khu vực thắng cảnh, tâm linh, đoàn Tân Phước Khanh sẽ vào khu vui chơi Fantasy Park, với các trò chơi phiêu lưu mạo hiểm mới lạ : Vòng quay tình yêu, Đường đua lửa, Ngôi nhà ma, Khu tượng sáp, …để thấy được sự tươi trẻ vui nhộn của Bà Nà Hill.
Đoàn tham quan Cty Tân Phước Khanh chụp hình lưu niệm tại Bà Nà Hill

Rời Bà Nà Hill, đoàn Tân Phước Khanh về khách sạn nghỉ ngơi, để tiếp tục cuộc hành trình vào buổi tối tại TP.Đà Nẵng. Đà Nẵng về đêm thật đẹp, thật lung linh, đoàn được tham quan Cầu khóa tình yêu, nằm ngay đầu cầu Rồng với các đèn lồng đỏ hình trái tim soi mình dưới mặt nước, tạo nên một khung cảnh rất lãng mạn và gần đó là tượng Cá chép hóa rồng, nặng 200 tấn, một biểu tượng của người Đà Nẵng, đặt ở bờ Đông sông Hàn, một nơi để mọi người tham quan và chụp hình lưu niệm tại đây.
Ngày thứ 5, 04/07/2018, sau khi ăn sáng đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến với Phố cổ Hội An. Phố cổ Hội An – nơi thời gian ngưng đọng, nơi mà cuộc sống cứ bình lặng như thế, nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Đó mới chỉ là một phần dung dị ở khu phố cổ Hội An nhưng cũng đã đủ khiến người ta phải đắm say.
Phố cổ Hội An – Quảng Nam

Mọi người trong đoàn đi bộ dạo trên những con đường nhỏ dẫn vào Phố cổ, như từng bước đi vào thời xa xưa của lịch sử, đúng với cái chất nơi thời gian ngưng đọng. Mọi người tham quan mua sắm tại các địa điểm như Chùa cầu Nhật Bản, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Nhà cổ trăm tuổi, Hội quán Phước Kiến, Xưởng thủ công mỹ nghệ.
Chùa Cầu Nhật Bản – Hội An

Khi tham quan xong các địa điểm trên, mọi người trong đoàn ăn trưa tại nhà hàng và tranh thủ mua sắm đặc sản về làm quà cho người thân. Trong chiều hôm đó, đoàn xe đưa mọi người ra Sân bay để quay lại TP.Hồ Chí Minh. Đến Hồ Chí Minh, mọi người chia tay nhau, Công ty Tân Phước Khanh không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến các khách hàng đã dành thời gian cho công ty và hy vọng đã có được cùng nhau khoảng thời gian vui vẻ, cùng thắt chặt thêm mối quan hệ của khách hàng và công ty thêm sâu sắc và bền vững và hẹn gặp lại mọi người vào chuyến đi tới.

Đăng nhận xét

Chuyên mục Nổi bật

...
Blog chuyên trang thông tin về Doanh nghiệp - Kỹ năng - Đời sống - Văn hóa

Whatsapp Button works on Mobile Device only